ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM

 

NGÔI SAO  VÔ NHIỄM
TRÊN BẦU TRỜI MÙA VỌNG

 

Trần Mỹ Duyệt

Trong ngày Truyền Tin, Đức Maria được Tổng Thần Gabrien chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân phúc, Đức Chúa ở cùng bà” (Luca 1:28). Một lời chào đã khiến Mẹ phải sửng sốt, bởi vì thiên sứ đã không chào hỏi bằng tên của Mẹ. Thay vì gọi là Maria, ngài đã gọi Mẹ là “Đấng đầy ân phúc”. Sau này, khi đi thăm bà chị họ, bà Isave cũng ca tụng Đức Maria rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Luca 1: 42-43). Trong bài ca “Ngợi Khen” (Magnificat), chính Đức Maria cũng không dấu diếm hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ:  

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.
(Luca 1: 46-50)

 

Một trong những điều cao cả ấy là Ngài đã gìn giữ Đức Maria khỏi mắc Tội Tổ Tông ngay từ khi hoài thai trong lòng thân mẫu Anna.

 

Đức Maria không mắc tội, điều này có thể được suy ra từ lời chào “đầy ân phúc” của Tổng Thần Gabrien. Đối với nhiều tác giả Kinh Thánh, nếu Đức Maria đã tràn đầy tình thân với Thiên Chúa thì không thể nào phạm tội gì được. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin, Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội, 8 tháng 12 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy niệm rằng: “Nếu Maria một cách hoàn toàn được Thiên Chúa bảo vệ, thì trong Mẹ không có chỗ cho tội lỗi… Mẹ được tạo dựng vô nhiễm để bằng một cách đón nhận hoàn toàn với tiếng ‘xin vâng’, Thiên Chúa đã đến trong thế giới.”

 

Đối với Thánh Augustinô thì, chúng ta phải loại trừ mọi tội lỗi cá nhân ra khỏi Đức Maria vì chính danh dự của Thiên ChúaGiáo Hội cũng nhận định rằng, Đức Maria được “đầy ơn phúc”, cũng có nghĩa là Mẹ được cứu chuộc ngay từ đầu của giây phút thụ thai trong lòng thân mẫu. Và điều này là chính phần cốt lõi của tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria.

 

TÍN ĐIỀU VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

 

Theo thần học Thánh Mẫu, Giáo Hội đã tuyên tín 4 điều về Đức Maria: Mẹ Thiên Chúa, Đầu Thai Vô Nhiễm Tội, Trọn Đời Đồng Trinh, và Hồn Xác Lên Trời. Tín Điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố năm 1854.

 

Và dựa vào Giáo Lý Công Giáo thìĐức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố nguyên tội ngay từ lúc thụ thai, do ân sủng và tình thương đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ loài người.” (DS 2803)  

 

Các Giáo Phụ Đông Phương đã gọi Mẹ Thiên Chúa là Đấng Rất Thánh (Panaghia), và tôn vinh Mẹ là Đấng không hề vương nhiễm một tội nào, như một thụ tạo mới do Chúa Thánh Thần nắn đúc và tác tạo (x. LG 56). Nhờ ân sủng Thiên Chúa, Đức Maria suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm tội riêng nào.[1]

Trong số các Giáo Phụ đã suy niệm, viết và đã đề cao ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria bao gồm:

HippolytusOrigen, Ambrose, Maximus of TurinTheodotus of AncyraPelagius St. AugustineSt. ProclusJohn DamasceneSyrianSt. EphraemJacob of SarugSt. John DamasceneSt. Bernard.

Đặc biệt là Giáo Hội Hy Lạp. Các Giáo Phụ Hy Lạp đã không bao giờ chính thức hoặc ai đó thảo luận, tranh biện về đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria.

Các Ngài đã xưng tụng và ca ngợi đặc ân ấy bằng những từ ngữ hết sức kính trọng như Mẹ là nhà tạm, nơi cư ngụ xứng cho Đức Kitô. Mẹ trinh trong không tỳ vết, hoàn toàn thánh thiện, công chính vẹn toàn, không bao giờ vương mắc vào nọc độc của con rắn, và cũng không bị hơi độc của nói thổi vào.[2]    

Bốn năm sau ngày tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội được tuyên tín, chính Đức Mẹ đã hiện ra với Bernadetta tại Lộ Đức ngày 25 tháng 3 năm 1858 và xác nhận: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.”

 

ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

 

Nguyên Tội là tội do hai ông bà nguyên tổ Adong và Evà đã truyền lại cho con cháu.  Riêng đối với Đức Maria vì là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng Cứu Thế, nên đã được Thiên Chúa dành cho Người đặc ân vô cùng quí giá là không mang vết nhơ Nguyên Tội ngay từ giây phút hoài thai trong lòng thân mẫu. Mẹ được như vậy là nhờ vào công nghiệp của Chúa Giêsu Con Mẹ sẽ sinh ra sau này. 

 

Không một giây, một phút nào trong đời sống Đức Mẹ từ lúc thụ thai cho đến khi từ giã cõi đời và được rước lên trời cả hồn lẫn xác, Mẹ đã phải khuất phục ma quỉ trong tình trạng tội lỗi. Được tràn đầy ơn Chúa như lời chào của sứ thần Gabriel, cùng nghĩa Mẹ luôn luôn có Chúa ở cùng nên trọn đời Mẹ thuộc về Chúa. Đặc ân này đã trang bị cho Mẹ để Mẹ xứng đáng mang thai Con Thiên Chúa, làm Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể.

Mặc dù hoàn toàn đầy ơn phúc, Mẹ vẫn không được miễn trừ đau khổ trong cuộc đời mình. Thay vào đó, Mẹ để Thiên Chúa hướng dẫn và đáp lại trong mọi hoàn cảnh bằng sự tín thác nơi Ngài. 

 

Nhờ được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ luôn luôn lúc nào cũng hoàn hảo nhất, đẹp xinh nhất, luôn trong trắng, tươi xinh, không một vết tì ố nào có thể làm ô nhiễm tâm hồn Mẹ. Linh mục nhạc sỹ Kim Long đã cảm thán sự trinh trong vô nhiễm của Mẹ qua những lời ngợi ca rất tuyệt vời:

 

ĐK. Mẹ tuyệt mỹ không hề vấn vương tội tình, diễm lệ như ánh bình minh. Mẹ hoàn toàn trong sạch tinh khiết như muôn hoa tươi xinh.

1. Mẹ là vườn khép kín, là mạch suối niêm phong. Mẹ là hoa thủy tiên thắm xinh muôn màu muôn hương.

 

2. Mẹ tràn đầy thánh đức hồn trinh trắng cao quang. Mẹ là bông huệ tươi điểm tô vương tòa Thiên cung.

 

3. Triều thần cùng cất tiếng tụng ca Đức Trinh Vương. Trần hoàn chung lời ca tán dương muôn đời muôn phương.

 

4. Mẹ là nguồn ánh sáng hằng soi dẫn muôn dân. Tìm về quê bình an sống vui trong niềm hân hoan.

(Mẹ Tuyệt Mỹ. Lm. Kim Long)

 

Ngay từ những thế kỷ đầu Kitô giáo, các tin hữu đã tin Đức Maria được ơn Vô nhiễm nguyên tội, nghĩa là Mẹ không bị vướng mắc vào một tội lỗi nào từ giây phút đầu thụ thai trong lòng mẹ. Nói một cách khác, Đức Maria được sinh ra trong tình trạng không mắc tội tổ tông, và giữ được tình trạng vô tội đó suốt cả cuộc đời của mình.

 

Giáo huấn của Giáo hội về đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ đã dựa trên nền tảng Thánh Kinh được tìm thấy trong Sáng Thế Ký, khi Thiên Chúa nói với Satan: “Ta sẽ đặt một mối thù giữa mi và người nữ, giữa dòng dõi mi và dòng dõi người nữ. Người sẽ đạp nát đầu mi, và mi sẽ rình cắn gót chân người.”(Sáng Thế 3:15) Mối hận thù này cho thấy cả hai bên không hề có sự thương lượng, nhượng bộ hay thỏa hiệp. Hơn nữa kẻ thù còn bị đạp nát đầu, mà chỉ rình cắn gót chân người đạp.

 

Người nữ đây là hình ảnh của Đức Maria và dòng dõi người nữ ấy chính là Đức Giêsu. Satan là kẻ thù. Nó và dòng dõi của nó luôn luôn lúc nào cũng gieo mầm nọc độc là tội lỗi. Lôi kéo và cám dỗ con người xa Chúa, nhưng nọc độc của nó không hề động chạm đến gót chân của Đức Maria.  

 

Và trong Tân Ước, qua trích đoạn Tin Mừng ngày lễ kính Mẹ Vô Nhiễm, Thánh Luca đã dẫn lời Tổng Thần Gabriel nói với Đức Maria: “Hãy vui mừng vì cô được Chúa trời chúc phúc. Thiên Chúa ở cùng cô và cô có phúc hơn mọi người phụ nữ”(Luca 1:26-28).Với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, tràn đầy ơn Chúa, luôn luôn có Chúa ở cùng, Đức Maria phải được coi là người phụ nữ đặc biệt, vượt trên và cao trọng hơn hết mọi phụ nữ. Chính Mẹ, Người tuy rất mực khiêm tốn chỉ coi mình như nữ tỳ hèn mọn Thiên Chúa cũng đã thốt lên trong lời Ngơi Khen của mình:  “Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.”

 

“Lạy Mẹ Maria, thiên hạ đã nói về Mẹ bao nhiêu điều vinh hiển, vì từ nơi Mẹ mặt trời công chính đã mọc lên, là Đức Kitô Thiên Chúa chúng con.” [3]

 

Và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã chỉ cho nhân loại hãy nhìn lên Ngôi Sao Vô Nhiễm của Mẹ trên bầu trời Mùa Vọng như biểu hiện cho ngôi sao sẽ xuất hiện ở Phương Đông dẫn lối Ba Vua và muôn dân tìm gặp Đấng Cứu Thế Hạ Sinh tại Belem: “Ngôi Sao Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội chiếu sáng con đường Mùa Vọng. Ai tỏa sáng được như Mẹ? Mẹ là Ngôi Sao Hy Vọng, là Bình Minh của Ngày Cứu Chuộc.”  

 

___________

 

Tài liệu trích dẫn:

 

1. Bản dịch của Tổng Giáo phận Sài Gòn năm 1993. Giáo Lý Hội Thánh Công giáo.

 

2. https://www.newadvent.org › cathen

CATHOLIC ENCYCLOPEDIA: Immaculate Conception

 

3. Ca Hiệp Lễ. Lễ Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm. Sách Lễ Giáo Dân.